Cơ quan Giám sát thuế EU,ángkiếnđánhthuếtỉphútoàncầngoac tổ chức nghiên cứu được EU thành lập nhằm thi hành chính sách thuế của khối liên minh, phát hiện nhóm những người giàu nhất thế giới đang sử dụng các công cụ trốn thuế. Tổ chức đề nghị các chính phủ trên toàn cầu nên đánh thuế 2% trên khối tài sản kếch xù của nhóm này, chứ không phải dựa trên thu nhập trên giấy tờ của họ.
Chiêu trò trên ranh giới pháp lý
Trong báo cáo đầu tiên về tình trạng trốn thuế trên toàn cầu kể từ khi được thành lập, Cơ quan Giám sát thuế EU (trụ sở tại Pháp) kết luận các tỉ phú luôn tìm cách thúc đẩy ranh giới pháp luật bằng chiêu trò di dời những dạng thu nhập cụ thể. Trong số này có thể kể đến thủ thuật chuyển cổ tức thu về từ việc sở hữu cổ phiếu ở các công ty cho các công ty bình phong ở nước ngoài. Đây là biện pháp cho phép che giấu thu nhập trên thực tế và giúp tỉ phú trốn thuế.
Cơ quan Giám sát thuế EU đề cập một thực tế hết sức vô lý: thuế thu nhập cá nhân của giới siêu giàu lại thấp hơn nhiều so với số tiền thu thuế từ những người thu nhập bình thường. Lý do là giới siêu giàu có thể giấu tài sản bên trong các công ty bình phong, vốn được lập ra chỉ phục vụ cho mục đích trốn thuế.
Những dạng lỗ hổng pháp lý cho phép các tỉ phú tránh phải nộp những khoản thuế thu nhập cụ thể, tạo nên mức thuế phải đóng dao động trong khung vỏn vẹn 0 - 0,6% so với tổng tài sản. Chẳng hạn, Cơ quan Giám sát thuế EU ước tính khoản thuế thu nhập cá nhân của các tỉ phú Mỹ chỉ xấp xỉ 0,5%, trong khi tỷ lệ này có thể tiếp cận con số zero ở những nước như Pháp, theo tờThe Guardian.
Bên cạnh đó, các công ty bình phong còn có thể trở thành chủ sở hữu trên danh nghĩa của những bất động sản sang trọng ở các thành phố đắt đỏ nhất thế giới như London. "Bất động sản cung cấp cơ hội cho người giàu trốn và lách thuế", theo báo cáo. Các chuyên gia phải thừa nhận những công ty dạng này cũng nằm ngoài các công cụ chống trốn thuế hiệu quả nhất hiện nay.
Giải pháp toàn cầu
Thông qua báo cáo trên, Cơ quan Giám sát thuế EU kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hãy khởi động những cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil vào tháng 11 năm sau. Mục tiêu đặt ra là tiến tới hiện thực hóa việc thi hành mức thuế tối thiểu 2% thường niên đối với những người giàu nhất thế giới. Theo tính toán, biện pháp này cho phép huy động 250 tỉ USD/năm từ 2.756 tỉ phú, nhóm sở hữu tổng tài sản gộp vào khoảng 13.000 tỉ USD.
Dù có thể phải mất nhiều năm để thực thi nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đánh thuế giới siêu giàu, Cơ quan Giám sát thuế EU đề cập những thành công mà thế giới đã đạt được trong thời gian qua. Chẳng hạn, việc triển khai sáng kiến tự động chia sẻ thông tin về tài khoản ngân hàng đã giảm số tài sản được cất giấu ở những "thiên đường thuế" nước ngoài xuống gấp 3 lần. Trong một ví dụ khác, 140 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2021 ký vào thỏa thuận thiết lập mức giới hạn tối thiểu có thể giảm thuế ở các nước trước nay vẫn duy trì mức thuế thấp.
Vào thời điểm được thi hành từ năm 2024, mức thuế doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ được ấn định 15% chứ không được phép thấp hơn. Doanh thu thuế sẽ được đưa về những quốc gia nơi các sản phẩm thực sự được bán hoặc sử dụng.
Reuters dẫn lời Giám đốc Cơ quan Giám sát thuế EU Gabriel Zucman cho biết: "Có những điều mà nhiều người cho rằng vô phương thực hiện đã được hoàn thành trên thực tế. Bước kế tiếp là áp dụng tính logic này cho giới tỉ phú, chứ không dừng lại ở các công ty đa quốc gia". Giám đốc Zucman cũng cho rằng để thực thi sáng kiến mới, hiện chỉ cần một liên minh các nước muốn thực hiện đóng vai trò dẫn đầu, trước khi có thể lan rộng nỗ lực đó.
Bất động sản là công cụ trốn thuế
Theo tờ The Washington Postdẫn báo cáo của EU, ước tính 1/4 tài sản nước ngoài trước đây được nắm giữ dưới dạng tài sản tài chính nhằm mục đích trốn thuế có lẽ đã được chuyển sang bất động sản. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 500 tỉ USD giá trị gộp của các bất động sản thuộc về các chủ sở hữu nước ngoài, thông thường dưới danh nghĩa các công ty thay vì cá nhân, tập trung tại 6 thành phố: London (Anh), Paris (Pháp), Singapore, Dubai (UAE), Cote d'Azur (lãnh thổ hải ngoại của Pháp) và Oslo (Na Uy). Con số này tương đương với khoảng 10% tổng giá trị bất động sản ở những thành phố trên.